Rau kinh giới là loại rau thơm rất quen thuộc trong bữa cơm gia đình. Ngoài ứng dụng trong ẩm thực, kinh giới còn là cây thuốc chữa được nhiều bệnh, có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian. Hãy cùng chúng tôi khám phá thêm nhiều điều thú vị về rau kinh giới cũng như tác dụng và cách dùng tốt cho sức khỏe nhé!
Giải đáp: Rau kinh giới là rau gì?
Rau kinh giới là một loại cây thuốc và rau thơm có nguồn gốc từ châu Á. Cây phân bố ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Đông Á, du nhập sang Bắc Mỹ, châu Âu. Kinh giới mọc ở những khu vực nhiều nắng, sông suối, rừng rậm, đất hoang, núi đồi…
Rau kinh giới thuộc họ Hoa môi, có tên khoa học là Elsholtzia cristata, còn được gọi là bạch tô, khương giới, giả tô, kinh giới trồng, kinh giới rìa. Cây cao khoảng 30 – 50cm, mọc thẳng, thân vuông, lá dài, thuôn nhọn, có cuống, có răng cưa. Hoa màu tím nhạt, kích thước bé, tinh dầu chứa trong cây có mùi thơm, vị đắng, cay.
Kinh giới thường được ăn sống kèm với các món như thịt luộc cuốn bánh tráng, bún ốc, bún bò, bún riêu cua, bún đậu mắm tôm, lòng heo, bún chả…
Phân biệt kinh giới và tía tô
Kinh giới có hình dáng và mùi thơm khá giống với tía tô, nhưng chúng là hai loại thảo mộc khác nhau. Cùng tìm hiểu một số điểm khác biệt để phân biệt kinh giới và tía tô nhé!
Đặc điểm | Rau kinh giới | Tía tô |
Mùi vị | Mùi thơm hơn, chứa nhiều tinh dầu hơn | Ít thơm hơn, chứa ít tinh dầu hơn |
Màu sắc lá | Hai mặt đều có màu xanh | Mặt trên có màu xanh, mặt dưới có màu tím
Nhiều lá có màu tím là màu chủ đạo |
Kích thước lá | Nhỏ hơn:
|
Lớn hơn:
|
Ứng dụng trong ẩm thực | Thường được ăn sống | Cả hai cách ăn sống và nấu chín đều phổ biến ngang nhau |
Tác dụng của rau kinh giới
Chống oxy hóa, chống ung thư
- Các chất thymol và carvacrol dồi dào trong rau kinh giới giúp chống oxy hóa tuyệt vời, giảm thiểu các tổn thương do gốc tự do gây ra cho tế bào. Nhờ đó, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch…
- Kết hợp rau kinh giới với trái cây và các loại rau xanh khác có thể giúp làm đẹp da, cải thiện vóc dáng, duy trì sức khỏe, phòng ngừa lão hóa.
- Mặt khác, nhờ hiệu quả chống oxy hóa, rau kinh giới có khả năng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, thậm chí vô hiệu hóa và tiêu diệt chúng.
- Chất carvacrol trong rau kinh giới cũng được chứng minh là có khả năng ức chế tế bào ung thư ruột kết.
Giúp kháng khuẩn, nâng cao đề kháng
- Rau kinh giới có chứa các hợp chất kháng khuẩn mạnh mẽ, có thể chống lại đến 23 chủng loại vi khuẩn khác nhau.
- Tinh dầu kinh giới có thể ngăn chặn sự sinh sôi của 2 loại vi khuẩn gây nhiễm trùng là Escherichia coli (E. coli) và Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh).
- Các chất thymol và carvacrol tạo nên đặc tính kháng virus, làm bất hoạt virus. Đặc biệt là vô hiệu hóa virus norovirus gây đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy chỉ trong vòng 1 giờ sau khi sử dụng.
Do đó, ăn rau kinh giới có thể tạo thành hàng rào phòng ngự chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật.
Giảm viêm
Khi cơ thể bị tổn thương, bị bệnh sẽ phát sinh phản ứng viêm. Tuy nhiên, khi mắc bệnh tự miễn, đái tháo đường, bệnh tim, viêm mãn tính có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiến triển của các bệnh này. Nhờ khả năng chống oxy hóa cao, rau kinh giới có thể giúp giảm viêm, trung hòa các gốc tự do, giảm thiểu sự khó chịu cho cơ thể.
Một số bài thuốc dân gian từ rau kinh giới
Đau mình, đau đầu:
- Sắc 20g kinh giới lấy nước uống, ngày 3 lần, dùng lúc còn nóng.
Hạ sốt:
- Lấy 24g sắn dây, 20g lá và cành kinh giới sắc lấy nước uống.
Trị mụn nhọt:
- Nấu 400ml nước với 12g kinh giới, 10g cam thảo, 10g thổ phục kinh, 10g kim ngân, 10g bồ công anh, 10g mã đề, 10g ké đầu ngựa đến khi cạn còn 100ml thì tắt bếp.
- Chia làm đôi, mỗi ngày dùng 2 lần.
Trị rôm sảy cho bé:
- Dùng kinh giới tươi nấu nước tắm cho trẻ hằng ngày.
Trị dị ứng:
- Đảo đều liên tục các bộ phận cây kinh giới đã khô trên chảo nóng cho đến khi nóng già.
- Lấy khăn bọc lại rồi chà xát vào chỗ ngứa. Làm như vậy nhiều lần trong ngày để thấy công hiệu.
Trị cảm lạnh:
- Sắc 3g kinh giới, 3g mã đề, 3g gừng, 3g ngải cứu, 3g hoắc hung, 3g tía tô để uống trong ngày.
Trị ho:
- Sắc 12g kinh giới, 4g trần bì, 8g bán hạ chế, 8g tử tô, 12g tang bạch bì, 12g tang diệp, 12g địa cốt bì để uống trong ngày.
Cầm máu:
- Phơi khô lá kinh giới, tán nhuyễn thành dạng bột.
- Mỗi ngày lấy 8g bột nấu với nước, chia làm 2 – 3 lần uống.
Trị bệnh trĩ:
- Nấu 400ml nước với 12g hoa kinh giới, 4g phèn phi, 12g ngũ bội tử, 12g hoàng bá trong 15 phút rồi tắt bếp.
- Đợi khi nước nguội thì lấy nước ngâm rửa hậu môn mỗi ngày 1 lần đến khi khỏi hẳn.
Trị viêm mũi dị ứng:
- Sắc 8g hoa kinh giới, 12g hoa cứt lợn, 12g lá cối xay, 8g bạc hà, 8g hoa húng quế thành 1 thang thuốc.
- Chia ra làm đôi, uống 2 lần trong ngày.
Trị sưng rốn ở trẻ:
- Lấy lá kinh giới nấu nước để rửa rốn cho trẻ.
- Sau đó thái mỏng hành, nướng lên, để nguội rồi đắp lên rốn.
Trị trúng gió méo miệng:
- Lấy 1 nắm lá kinh giới, giã lấy nước uống liền khi mới phát bệnh.
Trị cứng gáy, nặng đầu:
- Sau tiết thu, phơi khô hoa và lá kinh giới ở nơi có bóng râm rồi rải xuống chiếu hay nhồi vào gối để nằm.
- Đến tiết lập xuân thì lấy ra bỏ đi.
Trị chảy máu cam:
- Lấy 12g hoa kinh giới, sao đen rồi sắc lấy nước uống.
Trị cảm sốt nhức đầu:
- Sắc 10g kinh giới, 3 lát gừng, 4g mạn kinh tử, 6g cúc tần, 8g kim ngân, 6g cam thảo đất, 6g lá tía tô lấy nước uống.
Trị tê thấp, đau thắt lưng:
- Sắc 16g kinh giới, 16g trinh nữ, 16g huyết đằng, 12g ngải diệp, 20g thổ phục linh, 20g nam tục đoạn, 10g thiên niên kiện, 10g quế chi, 10g ngũ gia bì, 10g cẩu tích, 10g thỏ ty tử lấy nước uống.
Chống viêm, phù nề:
- Sắc 16g kinh giới, 12g cam thảo, 12g cát cánh, 10g trần bì, 10g bạch chỉ, 10g xuyên khung, 10g bán hạ, 10g phòng phong, 16g nam hoàng bá, 12g cây cứt lợn lấy nước uống.
Trị gàu, làm mượt tóc:
- Nấu nước gội đầu với: 60g kinh giới, 60g tang diệp, 60g hương nhu, 60g cây cứt lợn, 60g cỏ mần trầu, 60g lá sả, 60g lá bưởi.
Tác hại của rau kinh giới khi sử dụng sai cách
Tuy kinh giới được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian và đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cần biết cách sử dụng đúng, không lạm dụng để tránh những tác hại từ loại thảo mộc này.
Những người không nên dùng kinh giới:
- Người bị nóng trong người.
- Trẻ bị sởi.
- Người bị nhọt mưng mủ, chảy mủ.
- Phụ nữ có thai không nên dùng tinh dầu kinh giới qua đường uống vì dễ dẫn đến sảy thai.
- Rối loạn đông máu (kinh giới làm tăng nguy cơ chảy máu).
- Người chuẩn bị phẫu thuật nên dừng sử dụng 2 tuần trước khi thực hiện ca mổ để giảm thiểu tình trạng mất máu khi phẫu thuật.
- Người bệnh tiểu đường.
- Người dị ứng với kinh giới hay các loại cây họ Hoa môi khác như cây xô thơm, bạc hà, hoa oải hương, húng quế…
- Người đi đại tiện lỏng hoặc bệnh dạ dày.
- Với một số người, kinh giới có thể gây phát ban khi bôi lên da. Trong trường hợp đó, cần ngưng sử dụng ngay.
- Theo Đông y: tỳ yếu, người nhức đầu do âm hư hỏa vượng, người ra mồ hôi nhiều nhưng không phải bởi cảm nhiễm, người dương hư thì không nên dùng kinh giới.
Những loại thực phẩm, thuốc không sử dụng chung với kinh giới:
- Các loại cá, đặc biệt là cá lóc
- Thịt lừa
- Cua biển
- Thuốc chống đông máu
Hàm lượng sử dụng tối đa:
- Kinh giới tươi: 15 – 30g/ngày
- Kinh giới khô: 5 – 10g/ngày
Hy vọng qua bài viết trên bạn đã khám phá được nhiều điều thú vị về rau kinh giới và biết cách sử dụng loại thảo mộc này để tốt cho sức khỏe. Tham khảo thêm nhiều thông tin bổ ích tại đây nhé!