Rau cải cúc thuộc họ rau cải, nhưng loại cây này lại không mang những đặc điểm về mùi hương hay hình dáng giống rau cải, mà nó mang một nét đặc trưng rất riêng. Đặc biệt, giống cây này không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, mà còn được tận dụng triệt để trong Y học Cổ truyền. Có rất nhiều căn bệnh có thể cải thiện tình trạng hoặc chữa khỏi bởi cải cúc. Hãy cùng đi sâu tìm hiểu loạt công dụng thần kỳ của nó nhé.
Rau cải cúc – Tên khác là rau tần ô
Trong đời sống thường ngày, mọi người vẫn sử dụng cái tên rau cải cúc cho loại rau này, nhưng nó còn có tên khác là tần ô – được nhiều dược sĩ sử dụng trong quá trình tạo ra các bài thuốc Đông y.
Tần ô là loài cây thuộc thân thảo, rất dễ để nhận diện với bề ngoài thẳng đứng, thân cứng, cao trung bình 0,5m. Thân của cải cúc cứng và to hơn rất nhiều so với cuống lá, thông thường người ta chỉ dùng lá chứ không lấy thân vì bộ phận này nhiều xơ, khó ăn.
Lá của rau cải cúc có màu xanh lục đậm, với hình dáng vô cùng độc đáo. Mỗi chiếc lá như một chiếc lông chim, có kết cấu lặp lại. Nghĩa là trong mỗi chiếc lá, lại phân nhánh ra thành những nhánh nhỏ hơn có hình dạng giống với lá ban đầu. Lá cải cúc mọc so le nhau nên rất dễ để hái. Đặc biệt cây rau này không có gai, lá mềm nên thuận tiện cho công việc thu hoạch.
Hoa của cải cúc cũng đặc biệt không kém, nó có nhụy vàng, cánh hoa được tạo nên bởi hai màu sắc là vàng và trắng. Vòng ngoài là màu trắng, phần cánh hoa gần với nhụy sẽ có màu vàng. Ít khi thấy được loại rau nào có kiểu hoa hai màu như vậy. Hiện nay, cải cúc có thể phát triển tại đa số các địa phương tại Việt Nam. Người dân hoàn toàn có thể tự lấy đất và trồng tại gia.
Rau cải cúc được xem là liều thuốc quý
Rất nhiều người biết đến cải cúc như một loại thuốc quý, chữa được nhiều bệnh trong Y học Cổ truyền. Sau khi thu hoạch cải cúc, có thể phơi khô để dùng dần hoặc dùng ngay sau khi hái.
Trong một số nghiên cứu, giới Y học đã khẳng định trong cải cúc có chứa 8 loại axit amin khác nhau, kali, muối khoáng, chất xơ. Đây chính là lý do vì sao cải cúc lại góp phần hỗ trợ quá trình điều trị của bệnh nhân.
Rau cải cúc giúp nhanh thèm ăn
Đối với những người đang mắc chứng lười ăn, ăn không ngon miệng thì cải cúc có thể giúp chấm dứt tình trạng này. Một bát nước cải cúc sẽ khiến tuyến nước bọt bài tiết nhiều hơn, đem lại cảm giác thèm ăn, thậm chí ăn ngon cho khổ chủ. Bạn có thể lấy cải cúc tươi, nấu thành canh hoặc sắc lấy nước đều được.
Giúp cơ thể sản sinh máu mới
Trong cải cúc, hàm lượng sắt và canxi vô cùng cao, nó có khả năng kích thích cơ thể sản sinh ra các tế bào máu mới và khiến xương trở nên dẻo dai hơn. Chính vì vậy, rau cải cúc thường được nhiều người cao tuổi sử dụng để giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa căn bệnh thiếu máu.
Không chỉ dành cho người cao tuổi, cải cúc còn là một liều thuốc quý dành cho trẻ em đang trong độ tuổi phát triển. Các chất có trong cải cúc làm quá trình chuyển hóa protein diễn ra nhanh hơn, axit folic và nhiều loại vitamin khác cũng sẽ được bổ sung.
Cải cúc có lợi cho hệ bài tiết
Như đã đề cập, trong cải cúc có 8 loại axit amin, protein, chất béo, natri và kali. Không chỉ thế, nó còn chứa hàm lượng lớn khoáng chất trong lá rau và củ. Nhờ vậy mà các bài thuốc có vị Tần ô sẽ giúp người bệnh lợi tiểu, tăng quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể. Hiện nay, tại nhiều quầy thuốc Đông y có bán tần ô kết hợp với nhiều vị thuốc khác, hỗ trợ điều trị các bệnh về tiêu hóa và bài tiết của con người.
Tác dụng an thần của cải cúc
Khó mà tin được rau cải cúc lại có công dụng an thần. Tuy nhiên, kết quả này đã được nhiều nhà khoa học chứng minh và thẩm định. Được biết, trong cải cúc có chứa vitamin, carotenoid,…giúp giảm thiểu tình trạng lo âu, mất ngủ. Thay vào đó, người sử dụng sẽ ổn định được cảm xúc, nhớ lâu, não bộ trở nên nhanh nhạy hơn rất nhiều.
Công dụng của rau cải cúc đối với hệ tiêu hóa
Bài thuốc của cải cúc vẫn còn rất nhiều, trong đó công dụng chống táo bón được nhiều người đề cao. Khi bệnh nhân có triệu chứng khó tiêu, đau bụng, việc ăn một bát canh cải cúc sẽ giúp thúc đẩy nhu động ruột, kích thích đường tiêu hóa hoạt động trơn tru.
Cải cúc giúp giải cảm, ho, đau đầu
Khi ốm, người bệnh thường có các triệu chứng như sổ mũi, đau đầu, ho dai dẳng,…Các triệu chứng này có thể chữa dứt điểm bằng bài thuốc kết hợp giữa cải cúc và phổi lợn. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần lấy cải cúc tươi, thái nhỏ, cùng với phổi lợn thái lát, nấu thành canh và ăn kèm trong bữa cơm là được.
Với triệu chứng đau đầu, người bệnh nên chọn rau cải cúc già, loại đã ra hoa, lấy cả rễ, rửa sạch và sắc nước lên uống. Lá cải cúc tươi hơ nóng có thể bỏ vào khăn vải, lúc còn nóng nhanh chóng đắp lên đỉnh đầu và lăn hai bên thái dương sẽ giúp giảm đau đầu đáng kể. Hoặc cũng có thể xay cải cúc để uống, tuy nhiên cách này đối với một số người sẽ không thể uống được do mùi vị đặc trưng của nó.
Một số công dụng bất ngờ khác của tần ô
Nói cải cúc là liều thuốc quý quả không sai khi nó có thể hỗ trợ chữa trị rất nhiều loại bệnh lý. Ngoài những công dụng trên, rau cải cúc còn được biết đến với chức năng hỗ trợ quá trình điều trị của những bệnh nhân bị bệnh tim. Ngoài ra, tinh dầu có trong cải cúc cũng sẽ là bài thuốc quý đối với những ai thường xuyên bị cao huyết áp.
Cải cúc còn giúp trị đau mắt, hoa mắt, thanh phổi, tiêu đờm, làm đẹp da, trẻ hóa làn da. Cải cúc có thể giúp da mặt đàn hồi và tạo ra nhiều tế bào da mới. Trong đời sống, nếu không sử dụng cải cúc như một vị thuốc thì bạn hoàn toàn có thể dùng nó như thực phẩm mỗi ngày.
Cách bảo quản rau cải cúc được lâu
Thông thường, cải cúc được bán rất nhiều tại các khu chợ thực phẩm. Nếu tại khu vực bạn sinh sống ít có loại rau này thì có thể gom mua nhiều và để sử dụng dần. Với cải cúc, sẽ có hai loại bảo quản: một là dành cho cải cúc tươi, hai là dành cho cải cúc khô.
Nếu mua cải cúc đã được sấy khô cả thành phần rễ, thân, lá, hoa tại các hàng thuốc Đông y thì người dùng nên bảo quản ở nơi khô ráo, độ ẩm thấp để tránh việc cải cúc bị mốc. Với những người sử dụng cải cúc tươi thì có thể rửa sạch, để thật ráo nước và cho vào túi bóng đen, cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Tuy nhiên, đối với cải cúc tươi, dù đã cho vào túi bóng đen nhưng khi phát hiện rau có tình trạng dập, nhũn thì cũng không nên sử dụng.
Những đối tượng không nên ăn cải cúc
Như đã nói, trong rau cải cúc có chứa rất nhiều chất xơ, vì vậy nó chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định. Cải cúc được dùng để chữa cho những người thường bị cao huyết áp nên chắc chắn những người có huyết áp thấp sẽ không được ăn loại rau này, tránh việc bị tụt huyết áp bất thường.
Cải cúc cũng được biết đến với tác dụng lợi tiểu, chống táo bón, nhưng ăn quá nhiều lại khiến hàm lượng chất xơ mà cơ thể hấp thụ tăng cao, dẫn đến tác dụng ngược là khó tiêu hoặc rối loạn tiêu hóa. Đối tượng trẻ em dưới 1 tuổi cũng được khuyến cáo là không nên ăn rau cải cúc bởi trong rau có chứa một số chất mà dạ dày trẻ sơ sinh chưa thể tiêu hóa được.
Đối tượng tiếp theo không nên ăn cải cúc là những người bị lạnh bụng, tiêu chảy. Bởi rau tần ô có tính hàn (tính mát), có thể khiến tình trạng bệnh càng thêm nặng. Nếu vẫn muốn ăn loại rau này thì chỉ nên ăn một ít và thêm vào vài lát gừng để cân bằng tính hàn của nó.
Rau cải cúc có giá đắt hay rẻ?
Tại Việt Nam, cải cúc không phải loại rau khó trồng nên giá bán của nó vô cùng rẻ. Tại các chợ địa phương, 1 mớ rau tần ô có giá từ 4.000 – 6.000đ, đủ để nấu một bát canh cho gia đình. Tuy nhiên, tại những nơi có khí hậu nóng hoặc mùa màng không thuận lợi có thể lên đến 10.000đ/1 bó.
Bạn hoàn toàn có thể tự trồng tại nhà, trong các hộp xốp và mua đất về trồng. Hạt giống rau tần ô đang được bán với mức giá 210.000đ/1kg hạt giống. Có các gói nhỏ hơn sẽ dao động từ 6.000 – 10.000đ.
Các món ăn từ rau cải cúc
Rau tần ô ít khi được đem đi xào mà hầu hết sẽ là các món canh. Ăn vào tiết trời mát, khi canh còn nóng sẽ giúp nó phát huy được tác dụng. Một số món ăn chế biến từ rau cải cúc không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng như:
- Canh cải cúc nấu cùng thịt băm nhuyễn: rau cải thái nhỏ, cùng với thịt lợn băm nhuyễn sẽ tạo nên một hương vị thơm ngon, với vị đắng nhẹ kết hợp với vị ngọt của thịt.
- Cải cúc nấu cùng cà chua: Màu xanh của cải cúc điểm thêm chút đỏ của cà chua sẽ khiến món ăn trông bắt mắt hơn, không chỉ thế, món canh này còn có tác dụng thanh nhiệt khá tốt.
- Cải cúc hầm xương: Cải cúc hầm với xương lợn sẽ tạo nên một vị ngọt thanh, rất đáng để thử.
- Cải cúc nấu tôm tươi: Tôm luộc xong, bóc sẵn vỏ. Lấy cốt nước luộc tôm, cho thêm chút nước lọc và thả rau vào. Như vậy là đã có một bát canh thơm ngon bổ dưỡng rồi.
- Ngoài ra, canh cải cúc còn có thể nấu cùng với cá rô đồng, cải cúc sẽ khử được mùi tanh của cá, thậm chí còn khiến nước canh thêm ngon, ngọt.
Kết luận
Bài viết trên đã cung cấp đến các bạn những thông tin về rau cải cúc, một vị thuốc quý, cũng là một loại rau vô cùng thơm ngon góp mặt trong mâm cơm người Việt. Mong rằng bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích, vận dụng vào đời sống hằng ngày.